
ĐÌNH THẦN KIỂNG PHƯỚC_HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG Đình thần Kiểng Phước_Huyện Gò Công Đông là một trong những ngôi đình được lập đầu tiên từ thời lưu dân Việt từ miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang thành lập thôn xóm, do đó đình được thành lập, đó là một tổ chức hành […]
ĐÌNH THẦN KIỂNG PHƯỚC_HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG
Đình thần Kiểng Phước_Huyện Gò Công Đông là một trong những ngôi đình được lập đầu tiên từ thời lưu dân Việt từ miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang thành lập thôn xóm, do đó đình được thành lập, đó là một tổ chức hành chánh được xác lập và là một nơi nương tựa về tâm linh. Đây là một trong những ngôi đình lớn nhất của khu Đông Gò Công.
Theo các ban quí tế đình thần Kiểng Phước_huyện Gò Công Đông được thành lập tại vị trí bây giờ từ thời vua Minh Mạng(1820-1840), vì vua ra lệnh mỗi thôn ở Nam kỳ lục tỉnh phải lập đình vừa có chức năng tín ngưỡng vừa có chức năng hành chánh.
Quy mô đình thần Kiểng Phước_huyện Gò Công Đông ban đầu không rõ, nhưng chắc cũng bề thế vì nhân dân thôn Kiểng Phước làm ăn sung túc nhờ nghề biển và nghề nông, nên năm 1852 Đình Kiểng Phước nhận 4 sắc phong một lượt. Gồm các sắc thần sau:
1)Sắc Bổn cảnh Thành hoàng.
2)Sắc Đông Nam sát hải nhị đại tướng quân.
3)Sắc Thiên Y A Na diễn ngọc phi (Chúa Ngọc hay Chúa Xứ nương nương).
4)Sắc Bạch Mã tôn thần.
Có thể nói đây là ngôi đình có nhiều sắc phong nhất trong tỉnh Gò Công cũ. Các năm đầu 1900, ngôi đình bề thế như hiện nay được xây cất, đến năm 1958 có đợt trùng tu lớn còn ghi ở mặt tiền Đình.
Về vị trí của tất cả các ngôi Đình ở vùng đất Gò Công xưa đều được xem xét phong thủy một cách rất cẩn thận. Đình Kiểng Phước hướng về Rạch Cần lộc và ngoài kia mênh mông là Đông Nam Hải. Hiện thuộc Xóm Đình, giáp Xóm Bồ Đề, đây là 2 vùng đất có thế đất cao, nên đã cứu sống rất nhiều người dân trong trận bão năm Giáp thìn 1904.
Đất ngôi Đình hình chữ nhật, trải dài theo hường Đông Tây, diện tích ban đầu gần một hecta. Ngôi Đình nằm trên trục Đông Tây. Toàn ngôi Đình có nền gạch cao 6 tấc, nhìn trên nóc thấy rõ năm tòa nhỏ lớn từ trước ra sau, theo chức năng phân biệt. Mái ngói âm dương của 3 gian chánh các tòa sắp đọi, các mái chái năm tòa liền một dãy.
Nhìn từ trên nóc từ trước ra sau, năm tòa thì 4 tòa đầu có đầu hồi dằn bản trang trí hoa văn, mỗi đầu mỗi kiểu, nhưng có nét chung là trên đầu hồi nào cũng vẽ 2 rồng chầu mặt nhựt.
Phía trước mặt tiền đình có sân đình được xây gạch rào thấp để tách biệt với khu vườn phía trước. Sân tiền đình sâu 10m, ba mặt của sân được bao bọc bởi hàng rào bằng gạch. Ở sân tiền có 4 miếu nhỏ cạnh trên thước. Hai miếu bên hông đầu sân đối diện nhau, cửa có rèm vải che luôn thay mới, bên Bắc thờ Chủ ngung Man Nương chi vị, bên Nam thờ Mục đồng dã điền chi vị. Thay thế bàn thờ Thần nông như các ngôi đình làng Gò Công, đình thờ cốt tượng Thần nông mặt hướng vào đình, có mái che. Dựa vào mặt tiền đình thờ cốt tượng vị hộ pháp. Sân đình và 4 miếu thờ nhỏ mới được làm, nên việc thêm tượng hộ pháp chỉ là một sự hổn hợp tôn giáo, chỉ là màu sắc.
Mặt tiền cho thấy lối kiến trúc mỗi tòa của đình là 3 căn 2 chái và các tòa sắp đọi với nhau. Đình được xây dựng theo dạng tứ trụ, có mặt bằng hình vuông tỏa ra 4 phía, đây là lối kiến trúc độc đáo dành cho nơi thờ tự đình chùa.
Phía trước là tòa võ ca, nơi dành để hát bội, tiếp đến là tòa võ qui, đây là nơi tiếp khách và chuẩn bị vào điện để cúng tế thần. Trên cửa là các khung gỗ chạm khắc, nơi đây có đạt 4 tấm biển đứng theo cột, khắc 2 bộ biển đối ở trên cao, dưới nóc đặt 3 tấm hoành phi sơn son thếp vàng rất đường bệ không kém bất kỳ ngôi đình nào. Hai bên vách tường ngăn là giá để mỏ chiêng và trống, đánh lên khi hành lễ.
Tòa chánh điện như là cả một triều đình tượng trưng. Ở giữa sâu nhất là bàn thờ Thành hoàng Bổn cảnh, biểu tượng thiêng liêng tôn thờ này là một chữ thần tất to đặt trong khám thờ, xung quanh chạm trổ rồng phượng hoa lá, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trước hương án là cặp hạc đứng trên thân rùa, châu mặt chầu thần. Hai bên hương án là 2 giàn lỗ bộ. Bộ lỗ bộ được xem là loại nghi trượng, vừa biểu hiện quyền lực của đình thần, vừa tạo vẻ uy nghiêm nơi thờ tự. Lỗ bộ làm bằng gỗ sơn và có tám cặp gồm: Biển có chữ tĩnh túc, hồi tý, búa, tay văn, tay võ, gậy đầu rồng. gươm và giáo…
Hai bên bàn thờ chánh thần theo thứ tự là 2 bàn thờ Tả ban, Hữu ban rồi đến 2 bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền ở 2 cánh. Các bàn hương án đều được chạm khắc và sơn son thếp vàng hực hở.
Trước các hương án và trên cao gần nóc là 3 tấm hoành phi. Hoành phi ở giữa nền đen chữ thếp vàng là “Thần Quang Phổ Chiếu”, nghĩa là ánh sáng của thần soi rọi khắp nơi, đấy là nguyện vọng của dân làng!
Đình Kiểng Phước có lệ cúng kỳ yên vào ngày 15-16/2 âm lịch. Mục đích cúng kỳ yên là dịp để dân làng chiêm bái Thần Thành Hoàng, Thần Nông, Thần Xã Tắc để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Theo Thao thức đấu xưa của Thầy Phan Thanh Sắc, nguyên Nhà giáo ưu tú năm 1992; Cựu Hiệu Trưởng Trường Trung học Hòa Tân; Cựu giáo viên, tổ trưởng ngoại ngữ Trường THPT Trương Định
#dovantuan
Đỗ Văn Tuấn _ THCS Võ Văn Chỉnh
source